THI NHÂN VIỆT NAM + VĂN THI SĨ TIỀN CHIẾN + ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA
1. THI NHÂN VIỆT NAM (Bìa cứng)
Thi nhân Việt Nam là tên cuốn sách vừa là hợp tuyển vừa là nghiên cứu, phê bình về phong trào thơ mới Việt Nam, do hai anh em nhà văn Hoài Thanh và Hoài Chân biên soạn. Đây là một hợp tuyển thơ đầu tiên của thời kỳ thơ mới, ghi nhận lại những tên tuổi nhà thơ và những bài thơ giá trị trong khoảng 1932–1941. Cuốn sách bình luận theo phương pháp chủ quan, được nhiều nhà văn đánh giá rất cao về giọng bình và trình độ cảm nhận của tác giả.
Thi nhân Việt Nam viết năm 1941, hoàn thành năm 1942, in lần đầu năm 1942 tại nhà in tư nhân Nguyễn Đức Phiên, và cho đến nay cuốn sách đã được tái bản rất nhiều lần.
Thi nhân Việt Nam là một cuốn sách phê bình mang tính nghệ thuật ấn tượng, trong đó tác giả đã sử dụng óc chủ quan để cảm nhận và ghi lại những điều cảm nhận đó. Trong phần "Nhỏ to...", lời cuối sách, Hoài Thanh và Hoài Chân đã nói rõ:
“ Có lẽ bạn đương chờ tôi phân ngôi thứ trong làng thơ xem ai nhất, ai nhì... Bạn sẽ thất vọng. Tôi chỉ ghi cảm tưởng xem thơ nên bài viết dài ngắn không chừng. Bạn cũng đừng so sánh thơ trích nhiều ít. Ai lại lấy số trang, số dòng mà định giá một nhà thơ ?
Có lẽ bạn đương chờ những bài nghiên cứu vô tư và khách quan. Bạn cũng sẽ thất vọng. Vô tư thì tôi đã vô tư hết sức, nhưng khách quan thì không. Tôi vẫn có thể vờ bộ khách quan và mặc cho những ý riêng của tôi cái lốt y phục của mọi người. Nhưng việc gì phải khổ thế ? Chạy đi đâu cũng không thoát cái tôi thì tôi cứ là tôi vậy. Hay dở tính trời."
2. VĂN THI SĨ TIỀN CHIẾN (Bìa mềm)
Tác phẩm này không phải là một văn học sử, cũng không phải một công trình khảo luận. Đây là chứng dẫn một thời đại, của một người đã bước trong lịch trình hăng say của Thế hệ văn học cận kim, đã lăn lóc hàng ngày với các bạn đồng hành. Nó đã sống, đã thấy, đã cảm xúc giữa một thế giới mới đột nhiên xuất hiện từ một thế giới cũ. Nó đã chia sẻ những vinh nhục của số kiếp con nhà văn.
Tiếng súng đại bác lần đầu tiên nổ dưới vòm trời Âu làm rung chuyển địa cầu, hai mươi mốt năm sau Đệ nhất Thế chiến, đã làm sụp đổ tất cả kiến trúc đồ sộ nhưng mong manh của Độ hộ Pháp trên Đất nước thiêng liêng của Tổ quốc, chỉ độc nhất còn lại văn hóa.
Kỉ nguyên mới đang quằn quại trong khói lửa. Cái gì còn lại vẫn nguyên vẹn, đã trở thành một kí ức vàng son.
Nó chói lọi trong quạnh quẽ huyền mơ của một dĩ vãng luôn luôn còn hiện tại. Không có người chết. Chỉ có người vắng mặt.
Nhân chứng, vai còn nặng hành trang của cuộc phiêu lưu kì thú ấy, không có một kiêu hãnh nào cả. Không vì khiêm tốn giả dối. Chỉ vì trung thực truyền thống của Văn nghệ đối với người đương thời với nó trong thế hệ qua, đối với chính lương tâm của nó trong thế hệ này.
3. ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA (Bìa mềm)
Đại Nam Quốc sử diễn ca là một trong các bộ sử ca của lịch sử học Việt Nam mà cũng là của văn học sử cổ cận đại Việt Nam. Bộ sử ca này nguyên là một tác phẩm văn chương được trước tác và khắc in vào những năm giữa thế kỷ thứ XIX (1860, 1870, 1874) ở trong nước và nước ngoài (TQ).
Bộ sử thi này đa số vốn là các bài thơ ngắn khuyết danh, kể chuyện từ thời Hồng Bàng đến đời Mạc Đăng Dung. Phần tiếp theo cho đến đời nhà Nguyễn -Tây Sơn do Lê Ngô Cát viết toàn bộ 3.774 câu thơ lục bát. Sau Phạm Đình Toái chỉnh lý lại còn 2.054
Trong những áng văn xưa, có bổn Đại Nam Quốc sử Diễn ca đáng yêu quí. Về mặt sử liệu không phải đó là một công trình vô giá trị. Về mặt văn chương, đó là một công trình lớn lao.
Đại Nam quốc sử diễn ca là một áng văn chương viết theo thể lục bát, chép lịch sử dân Việt từ Kinh Dương Vương và họ Hồng Bàng đến hết nhà Lê.
Một đoạn được nhiều người biết trong bài trường thi này là phần kể việc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng với những câu:
Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân...
Đại Nam Quốc sử Diễn ca được thực hiện theo lệnh của vua Tự Đức.
Bổn Đại Nam Quốc sử Diễn ca sao lục ra đây, là chép theo bổn chữ nôm của Duy Minh Thị, người ở Xóm Dầu (Sài Gòn), xuất bản năm 1874, do hiệu Kim Ngọc Lâu ở Việt Đông (bên Tàu) khắc bản.
Toàn bổn có một ngàn lẻ hai mươi bảy (1027) câu lục bát. Ở đây lần lượt lục đăng, tùy lời chú thích dài vắn mà khi ít khi nhiều câu, không có chừng.